WHO: Đẩy nhanh tiêm mũi 3, 4, bảo vệ người dân trước sự xâm nhập của biến thể Omicron BA.5
|
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, Việt Nam đã đạt mục tiêu bao phủ tiêm phòng đủ liều cơ bản vaccine COVID-19 mà WHO đề ra. WHO nêu ra tầm quan trọng và lợi ích của việc tiêm liều bổ sung vaccine ngừa COVID-19 cũng như đưa ra những khuyến nghị cho Việt Nam trước sự xâm nhập của Omicron BA.5.
Tiêm vaccine phòng COVID-19 là biện pháp quan trọng ngăn ngừa dịch bệnh
Trong cuộc họp mới đây với Bộ Y tế, Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, tiêm phòng tiếp tục là một biện pháp quan trọng trong việc ngăn ngừa và kiểm soát dịch COVID-19 một cách bền vững.
Về cơ bản, WHO tiếp tục yêu cầu Chính phủ các quốc gia trên thế giới duy trì các nỗ lực tiêm chủng, đặc biệt là tiêm liều bổ sung và nhắc lại cho nhóm dân số nguy cơ cao và dễ bị tổn thương trước COVID-19 như nhân viên y tế, người cao tuổi và đối tượng mắc bệnh lý nền.
TS.Sorroco Escalante, Quyền Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam Ảnh: Trần Minh
WHO đưa ra các khuyến nghị như sau về tiêm phòng COVID-19 đối với các quốc gia trên thế giới:
- Các quốc gia có tỷ lệ bao phủ chậm liều tiêm cơ bản nên ưu tiên tiêm đủ liều cơ bản cho nhóm nguy cơ cao, trước khi tập trung nguồn lực bao phủ sang nhóm nguy cơ thấp.
- Các quốc gia có tỷ lệ bao phủ tiêm chủng từ trung bình tới cao nên ưu tiên tiêm liều bổ sung cho nhóm nguy cơ cao trước khi chuyển sang bao phủ cho nhóm nguy cơ thấp hơn.
WHO: Việt Nam đã triển khai chương trình tiêm phòng vaccine COVID-19 hiệu quả
Trong cuộc họp với Bộ Y tế, TS Sorroco Escalante - Quyền Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, Việt Nam đã đạt mục tiêu của WHO là bao phủ tiêm phòng đủ liều cơ bản vaccine COVID-19. WHO tuyên dương nỗ lực của toàn thể các cấp, các ngành và người dân Việt Nam trong việc đạt mục tiêu này.
WHO cũng bày tỏ Việt Nam đã chứng tỏ về khả năng triển khai chương trình tiêm phòng hiệu quả và đạt tỷ lệ bao phủ tiêm phòng cao thông qua sự nhập cuộc của toàn xã hội. Với cách làm tương tự, Việt Nam cũng có thể đẩy nhanh tiêm mũi 3, mũi 4 để bảo vệ người dân trước sự xâm nhập của biến thể Omicron BA.5.
WHO kêu gọi sự chung tay của tất cả mọi người nhằm khống chế COVID-19 một cách lâu dài và bền vững, bằng cách hãy đi tiêm phòng khi tới lượt theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Ngoài ra, những biện pháp y tế công phù hợp như đeo khẩu trang, rửa tay, mở cửa sổ để đảm bảo thông gió tự nhiên vẫn là các biện pháp hiệu quả trong ngăn ngừa COVID-19.
Khuyến nghị của WHO về tiêm liều bổ sung vaccine COVID-19 và khuyến nghị cho Việt Nam
WHO cho biết, dù đã đạt tỷ lệ bao phủ tiêm phòng cao, nhưng Việt Nam cần tiếp tục bao phủ đủ liều vaccine cơ bản đặc biệt ở nhóm nguy cơ cao để "Không để ai bị bỏ lại phía sau".
Nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng của WHO (SAGE - Strategic Advisory Group of Experts on Immunization) đã cập nhật Lộ trình Ưu tiên sử dụng vaccine COVID-19 vào tháng 1/2022, trong đó có đưa ra Khuyến nghị của WHO về liều tiêm bổ sung.
Thứ tự ưu tiên cho đối tượng tiêm liều bổ sung tương tự như chính sách ưu tiên khi tiêm liều cơ bản. Đó là ưu tiên tiêm cho đối tượng có nguy cơ cao nhất rồi mới bao phủ dần xuống đối tượng nguy cơ thấp hơn.
Việc tăng cường tỷ lệ bao phủ liều bổ sung cho nhóm nguy cơ cao sẽ góp phần giảm ca nặng và tử vong do COVID-19 tương tự như đã từng triển khai tiêm liều cơ bản.
Đối với Việt Nam cần tiếp tục tiêm liều bổ sung vaccine COVID-19 cho dân số trưởng thành, đặc biệt cho những người thuộc nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, nhân viên y tế và người có hệ miễn dịch suy giảm. Một khi đất nước được bao phủ liều tiêm bổ sung cho những nhóm đối tượng này, sau đó có thể xem xét tiêm liều bổ sung cho thiếu niên độ tuổi từ 12-17 tuổi, theo lộ trình của WHO.
Nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược tiêm chủng của WHO (SAGE) vào tháng 5/2022 cũng khuyến nghị người suy giảm miễn dịch nên tiêm liều 3 cũng như liều 4 nhằm bảo vệ khỏi nguy cơ mắc COVID-19 và chuyển nặng. Dữ liệu sẵn có cho thấy hiệu quả vaccine và tính sinh miễn dịch ở người suy giảm miễn dịch thấp hơn so với người bình thường.
Tầm quan trọng và lợi ích của việc tiêm liều bổ sung vaccine COVID-19
Các bằng chứng cho thấy cần phải tiêm liều bổ sung, đặc biệt các nhóm đối tượng nguy cơ cao nhất đã trở nên ngày một rõ ràng.
WHO khuyến nghị rằng liều bổ sung nên tiêm cách 4-6 tháng sau khi đã hoàn thành liều tiêm cơ bản, do hiệu quả vaccine suy giảm dần theo thời gian, kể cả với Omicron và Delta.
Cách tốt nhất để ngăn ngừa COVID-19 lây lan là đảm bảo mỗi người đều được bảo vệ thông qua tiêm phòng, bằng cách hoàn thành liều tiêm cơ bản và tiêm liều bổ sung khi tới lượt. Sau đây là 3 lý do tại sao chạy đua nước rút chặng cuối bao phủ cho người chưa được tiêm phòng và tiếp tục tiêm liều bổ sung trở nên cần thiết.
3 lý do để gấp rút hoàn thành liều tiêm cơ bản và triển khai tiêm liều tiêm bổ sung
Thứ nhất, đại dịch chưa kết thúc. Virus SARS-CoV-2 tiếp tục lưu hành và ca mắc đang gia tăng ở một số nơi trên thế giới
Trên toàn cầu, mặc dù ca mắc lẫn ca tử vọng tiếp tục giảm xuống, nhưng vẫn có tới hơn 3 triệu ca mắc mới và hơn 7.000 trường hợp mới tử vong trong tuần trước.
WHO cho biết "Khi tách dữ liệu toàn cầu, chúng tôi nhận thấy những khuynh hướng đáng lo ngại ở một vài khu vực. Trong tuần 13 cho tới ngày 19/6/2022, số ca mắc mới mỗi tuần ở khu vực Nam - Đông Á (+46%), khu vực Đông Địa Trung Hải (+45%) và châu Âu (+6%), trong khi giảm ở 3 khu vực khác thuộc WHO. Số ca tử vong do COVID-19 theo tuần tăng ở khu vực Nam - Đông Á (+4%). " Đây là dữ liệu dịch tễ học WHO cập nhật từ 19-22/6/2022.
Thứ hai, COVID-19 không phải là một bệnh nhẹ
- Kể cả bạn là một người khỏe mạnh, cũng không có gì đảm bảo bạn sẽ chỉ mắc COVID-19 nhẹ.
- Tiêm phòng vaccine, bao gồm cả tiêm liều bổ sung sẽ tăng cơ hội ngăn ngừa mắc COVID-19 nặng, mà ở trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn tới nhập viện hoặc tử vong.
- Một vài người bị chẩn đoán mắc COVID-19 tiếp tục gặp các triệu chứng hậu COVID-19 hay còn gọi là COVID kéo dài, với một số triệu chứng kéo dài dai dẳng từ hàng tuần cho tới hàng tháng sau đợt nhiễm cấp tính.
Thứ ba, trong khi virus tiếp tục lưu hành, sẽ có thêm các biến thể mới nổi lên. Các biến thể mới có thể dễ lây truyền hơn và thậm chí còn có thể gây bệnh nặng hơn
- Các biến thể mới có thể dễ dàng lan truyền, đặc biệt do đi lại toàn cầu gia tăng. Chẳng hạn như, số ca mắc các biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron tiếp tục gia tăng để trở thành biến thể chủ đạo trên toàn cầu. Tới nay, đã phát hiện Omicron BA.5 tại 62 quốc gia và BA.4 tại 58 quốc gia trên toàn thế giới.
Sự gia tăng ca mắc hai biến thể chủ đạo này cũng đồng thời xảy ra với các ca nhiễm gia tăng tại một số khu vực thuộc WHO, từ đó kéo theo gia tăng ca nhập viện và hồi sức cấp cứu.
Như vậy cách tốt nhất để bảo vệ bản thân trước sự xâm nhập của biến thể chủ đạo mới BA.5 và BA.4 là hãy hoàn thành liều tiêm cơ bản và đi tiêm mũi 3, mũi 4 vaccine phòng COVID-19 khi tới lượt./.