UBND xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên

http://hoaphong.tayhoa.phuyen.gov.vn


Phú Yên: Tiếp tục nâng cao hiệu quả Cổng dịch vụ công trực tuyến

https://dichvucong.phuyen.gov.vn/portaldvc/Home/default.aspx

Phú Yên: Tiếp tục nâng cao hiệu quả Cổng dịch vụ công trực tuyến

Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã hoạt động và từng bước phát huy hiệu quả, mang lại tiện ích cho các cơ quan quản lý nhà nước, người dân, doanh nghiệp. Nhằm đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới, hệ thống này cần được tập trung triển khai rộng khắp.
Cán bộ huyện Tuy An quản trị cổng dịch vụ công

Vận hành ổn định

Sau gần 2 năm hoạt động, Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã được các sở, ngành, địa phương triển khai cung ứng đến các tổ chức, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh. Phần lớn các đơn vị đã thực hiện dịch vụ ở mức độ 3, một số chuyển sang mức độ 4; tiếp nhận và giải quyết hồ sơ, thủ tục theo yêu cầu của người dân đúng quy định Nhà nước.

Theo thống kê của Sở TT-TT, hiện Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh cập nhật 16.280 thủ tục hành chính; trong đó, khối sở, ban ngành có 1.461 thủ tục; khối huyện thị xã, thành phố 2.835 thủ tục; khối xã, phường, thị trấn là 11.984 thủ tục. Tính đến nay, hồ sơ phát sinh giải quyết ở mức độ 3 trên cổng là 1.530 hồ sơ, mức độ 4 là 1.212 hồ sơ. Số dịch vụ công mức độ 3, 4 có phát sinh hồ sơ là38dịch vụ.

Ông Võ Đình Hạnh, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết: Cho đến thời điểm này, sở đã tiếp nhận và giải quyết đúng hạn 132 thủ tục ở mức độ 3, 12 thủ tục ở mức độ 4. Từ khi công khai giải quyết hồ sơ, thủ tục của doanh nghiệp, người dân… qua hệ thống trực tuyến, Sở Công thương đã thông tin rộng rãi để các đơn vị và người dân biết, sử dụng. Bộ phận quản trị hệ thống của sở cũng được tập huấn, hướng dẫn kỹ năng vận hành nên việc giải quyết thủ tục hành chính tương đối thuận lợi.

Còn theo ông Bùi Viết Huy, Chánh Văn phòng UBND huyện Tuy An, không chỉ công khai, minh bạch mà việc giải quyết thủ tục hành chính liên thông trên Cổng dịch vụ công trực tuyến đã giúp địa phương giảm chi phí, thời gian luân chuyển, trao đổi, xử lý hồ sơ giữa các bộ phận có liên quan.

Để thành thạo công tác này, địa phương đã phân công bộ phận phụ trách riêng, có nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc và cập nhật số liệu liên tục trong ngày. Chính vì vậy, công tác giải quyết hồ sơ, thủ tục cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân. Cổng dịch vụ cũng chưa xảy ra sự cố kỹ thuật.

Liên quan đến việc vận hành Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, ông Lê Tỷ Khánh, Phó Giám đốc phụ trách Sở TT-TT, cho biết: Việc đưa vào sử dụng Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã giúp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính tại các đơn vị trong tỉnh. Hệ thống này bước đầu đáp ứng cơ bản việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ trên môi trường trực tuyến, tương ứng với hệ thống một cửa điện tử liên thông hiện đại.

Qua nắm bắt thực tế, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đã được triển khai ở hầu khắp các địa phương, đơn vị; góp phần xây dựng chính quyền điện tử công khai, minh bạch, hiện đại, phục vụ tốt cho các tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu giải quyết thủ tục. Sau một thời gian đi vào hoạt động, Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh vận hành tương đối ổn định, chưa phát sinh lỗi.

Tích cực hỗ trợ, phát huy hiệu quả

Nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính theo hướng hiện đại, thời gian qua, Sở TT-TT đã phối hợp với một số đơn vị tập huấn kiến thức có liên quan đến việc quản lý, vận hành Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh; đồng thời hỗ trợ xử lý, khắc phục những vướng mắc, khó khăn của các sở, ngành, địa phương trong quá trình sử dụng.

Triển khai dịch vụ công trực tuyến là nỗ lực của tỉnh trong việc cải cách hành chính và xây dựng chính quyền điện tử. Đây cũng là giải pháp giúp các sở, ngành, địa phương, người dân và doanh nghiệp đăng ký thực hiện các thủ tục hành chính một cách thuận tiện. Thời gian tới, nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện chỉ số PCI, PAPI, ICT-Index của Phú Yên, UBND tỉnh đề nghị các đơn vị liên quan tập trung xây dựng kế hoạch, giải pháp, lộ trình thực hiện trong những năm tiếp theo sao cho phù hợp với yêu cầu, điều kiện của tỉnh và từng địa phương. - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế

Theo Viettel Phú Yên, sau khi thiết lập Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, đơn vị này đã hỗ trợ các sở, ngành, địa phương kết nối, vận hành hệ thống; đồng thời hướng dẫn kỹ năng cho các cán bộ trực tiếp phụ trách công tác này. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, mới đây, Viettel đã cùng với các đơn vị xây dựng và triển khai giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.

Để hỗ trợ các sở, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả dịch vụ này, Viettel cũng tiếp tục triển khai chữ ký số, xây dựng các mã dữ liệu liên quan; hỗ trợ đắc lực cho các đơn vị trong vận hành, quản trị hệ thống.

Còn theo Bưu điện Phú Yên, thời gian qua, các sở, ngành, địa phương đã linh hoạt phối hợp với ngành Bưu điện trong việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Tất cả các bưu cục, điểm bưu điện văn hóa xã đều tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính từ các cơ quan quản lý nhà nước cho người dân.

Bưu điện Phú Yên cũng đã ký thỏa thuận hợp tác với các ngành, địa phương nhằm đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính. Đơn vị còn xin chủ trương và phối hợp với các đơn vị nâng cấp dịch vụ công ở mức độ 3, tiến đến mức độ 4; sắp tới sẽ kết nối trực tiếp với Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp… đăng ký giải quyết hồ sơ trực tuyến.

Nguồn tin: tcnn.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây