Đang truy cập: 38
Hôm nay: 5,725
Hôm qua: 9,597
Tháng hiện tại: 159,112
Tháng trước: 265,821
Tổng lượt truy cập: 923,748
- Đang truy cập38
- Hôm nay5,725
- Tháng hiện tại159,112
- Tổng lượt truy cập923,748
Bài 3: Tăng cường kỷ cương, siết chặt kỷ luật trong mọi hoạt động công vụ
Bệnh phô trương, xét trên bình diện xã hội, đó là hành vi lệch chuẩn làm phương hại đến việc xây dựng nếp sống lành mạnh trong xã hội. Nhìn từ phương diện văn hóa chính trị, đó là một trong những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống như Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng đã chỉ ra. Còn nhìn từ góc độ kinh tế, bệnh phô trương cũng làm tổn hao sức lực nhân dân, lãng phí tài sản Nhà nước. Do vậy, rất cần các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn cho được căn bệnh này.
Đổi mới cách thức tổ chức lễ tân, hội họp
Để ngăn ngừa, giảm thiểu bệnh phô trương, chúng ta phải kiên quyết cắt bỏ những triệu chứng gây ra căn bệnh này như quá coi trọng hình thức, ưa hào nhoáng, thích “đánh bóng” tên tuổi, muốn thu hút sự quan tâm của thiên hạ bằng lễ lạt hoành tráng, hội họp đông vui, khánh tiết lộng lẫy, cờ hoa rợp trời… Các tổ chức, cơ quan, đơn vị cần chú trọng chăm lo xây dựng và thực hiện tốt các chuẩn mực văn hóa công quyền. Thực hiện chuẩn mực văn hóa công quyền chính là chấp hành nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nói không với bệnh sính hình thức, phô trương trong các hoạt động công vụ.
Trong hơn chục năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chỉ thị, văn bản pháp lý góp phần đưa các hoạt động công vụ vào khuôn khổ nền nếp, tránh tổ chức rườm rà, phô trương, lãng phí. Đó là: Quyết định số 226/2006 ngày 10-10-2006 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc quy định tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công và lễ khánh thành công trình xây dựng”; Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 21-12-2012 của Ban Bí thư, khoá XI “Về đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”; Nghị định số 145/2013/NĐ-CP ngày 29-10-2013 của Chính phủ quy định “Về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài”; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013; Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19-12-2016 của Bộ Chính trị, khóa XII “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”; Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 20-2-2017 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm”...
Theo ông Vũ Đức Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi Kho bạc Nhà nước (Bộ Tài chính), các quy định về phòng, chống lãng phí, phô trương trong bộ máy công quyền tương đối đầy đủ và bao quát hầu hết các lĩnh vực, các hoạt động công vụ. Vấn đề là ở chỗ các tổ chức, cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước phải quán triệt, chấp hành nghiêm túc, thực hiện triệt để các quy định này.
Thông tin từ Kho bạc Nhà nước cho biết, chỉ tính 3 năm qua (2015-2017), thông qua công tác kiểm soát chi ngân sách, ngành kho bạc Nhà nước đã phát hiện hơn 75.500 khoản chi thường xuyên ở các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị chưa bảo đảm đúng quy định. Các đơn vị kho bạc Nhà nước đã từ chối thanh toán số tiền hơn 123 tỷ đồng, trong đó có hàng nghìn khoản chi cho hội họp, tiếp khách, lễ khởi công, lễ kỷ niệm… chưa thực hiện theo đúng Luật Ngân sách Nhà nước.
Để khắc phục tình trạng này, ông Vũ Đức Hiệp cho rằng, ngoài việc siết chặt kỷ luật ngân sách Nhà nước, cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán các cấp cần tăng cường hoạt động kiểm soát, thanh tra để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh và thông tin công khai những địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức hội họp tràn lan, lễ lạt phô trương gây tốn kém, lãng phí ngân sách.
“Khi có đoàn công tác đến, địa phương, cơ quan, đơn vị, cơ sở phải thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và Nhà nước về chế độ lễ tân, chế độ công tác; không tổ chức đoàn xe đưa đón, khẩu hiệu, trải thảm, tặng quà và tổ chức ăn uống lãng phí”. (Trích Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19-12-2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”)
Quyết liệt tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế
Đề cập đến bệnh phô trương còn tồn tại trong bộ máy công quyền những năm qua, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết: "Một trong những lý do dẫn đến thực trạng này là chúng ta chưa quyết liệt trong việc tinh giản biên chế, sắp xếp bộ máy và thiết lập trật tự kỷ cương trong hoạt động công vụ, cải cách hành chính". Tình trạng cán bộ, công chức đông mà không mạnh; một bộ phận cán bộ, đảng viên “sính” nhiều bằng cấp nhưng chất lượng công việc, mức độ hoàn thành nhiệm vụ hạn chế; bộ máy có nhiều bộ phận, nhiều tầng nấc trung gian, nhiều cơ quan chưa phân định rõ chức năng, nhiệm vụ dẫn tới hoạt động chồng chéo… phần nào nói lên bộ máy công quyền ở nhiều nơi “to” về bề ngoài, “hoành tráng” về vị thế, song khả năng, thực lực hoạt động lại chưa thật sự hiệu quả.
Nhận thấy những bất cập đó, từ đầu năm 2018 đến nay, một số cơ quan, đơn vị, địa phương đã triển khai việc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Trong đó, Bộ Công Thương đã cắt giảm 5 đầu mối cấp vụ, cục; giảm 72 phòng, giảm 30% lãnh đạo cấp phòng. Từ ngày 1-6, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã hợp nhất văn phòng các ban đảng (tuyên giáo, tổ chức, dân vận, nội chính, cơ quan ủy ban kiểm tra) thành Văn phòng Tỉnh ủy tham mưu, giúp việc chung. Ngày 23-7 vừa qua, tỉnh Lào Cai công bố hợp nhất Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng thành Sở Giao thông vận tải-Xây dựng. Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, tính đến hết tháng 6-2018, thực hiện Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII, cơ quan hành chính các cấp đã tinh giản biên chế được 4.294 người; giảm được 15 vụ thuộc bộ, cơ quan ngang bộ và 189 phòng thuộc vụ, cục. Những chuyển động về tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy vừa qua là đáng ghi nhận.
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng: "Việc kiên quyết chấn chỉnh, cơ cấu lại bộ máy là một trong những giải pháp thiết thực nhằm bảo đảm cho mọi cơ quan, đơn vị và mọi cán bộ, công chức phải làm đúng chức năng, nhiệm vụ, công việc của mình. Một khi người nào việc nấy, cơ quan nào cũng làm đúng, đủ chức phận của mình theo luật định thì sẽ góp phần ngăn ngừa, giảm thiểu được bệnh phô trương quyền lực trong bộ máy và trong đội ngũ cán bộ, công chức".
Theo Luật sư Vy Văn Minh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kinh nghiệm của nhiều nước có nền công vụ chuyên nghiệp, hiện đại cho thấy, khi các cơ quan công quyền được thiết lập tinh gọn, xác định chức năng, nhiệm vụ chặt chẽ, cũng như đội ngũ cán bộ, công chức được đào tạo, bồi dưỡng bài bản, chuyên nghiệp và được hưởng chế độ, chính sách đãi ngộ tương xứng với hoạt động công vụ của mình, thì đó chính là giải pháp hữu hiệu để đẩy lùi được những lỗ hổng dễ sinh ra bệnh phô trương quyền lực, khuếch trương vị thế cá nhân vì động cơ vụ lợi và qua đó, góp phần làm lành mạnh hóa nền công vụ và bộ máy công quyền.
Bồi đắp phẩm chất liêm chính, giản dị cho cán bộ, đảng viên
Phô trương thường đi liền với xa hoa, xa xỉ. Đó là điều hoàn toàn trái ngược với phẩm chất đạo đức cách mạng, lối sống giản dị, liêm khiết của cán bộ, đảng viên. Không ngẫu nhiên mà Chính phủ đề ra phương châm 10 chữ trong hoạt động công vụ năm 2018 là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”. Trên nền tảng kỷ cương phép nước đã được luật hóa, muốn cho mọi hoạt động công vụ được vận hành trôi chảy, hiệu quả, thì luôn đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức phải đề cao, coi trọng và thể hiện tinh thần liêm chính, làm tròn chức năng, phận sự “công bộc” tận tụy của dân, có trách nhiệm với nhân dân và doanh nghiệp.
Để không sa vào lối sống phô trương, mỗi cán bộ, đảng viên cần kiên trì, bền bỉ rèn luyện, thực hiện nếp sống lành mạnh, giản dị, bảo đảm sự gắn kết hài hòa giữa dáng vẻ bề ngoài với tư cách đạo đức, giữa thái độ và hành vi, giữa lời nói và việc làm, không sa vào sự hào nhoáng bên ngoài giả tạo, không tự đánh bóng cá nhân bằng những hành vi thiếu chuẩn mực và tự phải biết tránh xa lối sống xa hoa, lãng phí, không phù hợp với cuộc sống cần lao của số đông người lao động và điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước, địa phương và cơ quan, đơn vị mình.
Một danh nhân từng nói: “Giản dị là một cách trang điểm cho tâm hồn cao đẹp” và “Trong tất cả mọi thứ: Trong cung cách, trong tính cách, trong phong cách, cái đẹp nhất là sự giản dị”. Giản dị không làm giảm đi nhân cách con người, mà ngược lại, nó là một giá trị sống góp phần làm đẹp thêm các chuẩn mực đạo đức và văn hóa xã hội. Mỗi cán bộ, đảng viên tự giác rèn luyện, thể hiện đức tính giản dị trong cuộc sống, công tác cũng là một cách thiết thực để phòng ngừa, tránh xa lề thói khoe mẽ, phô trương.
Trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ có chức có quyền luôn đứng trước những cám dỗ, do vậy đòi hỏi người lãnh đạo phải biết bảo toàn danh dự, uy tín của mình bằng cách giữ gìn bản thân liêm chính; phải tự mình cảnh giác như “đi trên băng mỏng”, như “đứng trước vực sâu” mới có thể vượt qua sự trói buộc của công danh, lợi lộc cũng như vượt qua những “cạm bẫy” của lề thói nịnh bợ, thói đời thực dụng, khoe mẽ, phô trương luôn “bủa vây” quanh mình. (TS Bùi Thế Đức, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương).
Chú trọng các cơ chế kiểm soát quyền lực
Ngay sau khi chính quyền cách mạng non trẻ ra đời năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần cảnh báo về bệnh phô trương quyền lực, khuếch trương vị thế của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Bệnh phô trương quyền lực này được Bác Hồ chỉ ra thông qua nhiều “triệu chứng” cụ thể, như: Cậy quyền, cậy thế, tự cao, tự đại, kiêu ngạo, ham địa vị, hay lên mặt, ưa người khác tâng bốc, khen ngợi mình, “óc lãnh tụ”, vác mặt “quan cách mạng”... Người cảnh báo những cán bộ, đảng viên “Chỉ chăm về hình thức bên ngoài, chỉ muốn phô trương cho oai” sẽ làm mất lòng tin của nhân dân, tổn hại đến uy tín của Đảng và Chính phủ. Muốn khắc phục bệnh phô trương, theo Bác, phải “Không được ham chuộng hình thức, bởi vì ham chuộng hình thức là không thực chất, làm như vậy là cốt để phô trương gây tốn kém”.
Những nhận diện và lời cảnh báo của Bác Hồ về căn bệnh phô trương liên quan đến cán bộ, công chức hơn 70 năm qua vẫn còn nóng bỏng tính thời sự. Thực tế cho thấy, tuy căn bệnh phô trương không gây hiểm họa trực tiếp, tức thời đến sự an nguy của chế độ, nhưng nếu không kiên quyết, kiên trì phòng, chống hiệu quả thì nó trở thành “di căn” sẽ tích tụ, tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường đối với sự chính danh của thể chế và sự lành mạnh của xã hội mà chúng ta đang nỗ lực xây dựng.
Vì vậy phải ngăn chặn bệnh phô trương trong bộ máy công quyền bằng việc hoàn thiện chính sách, luật pháp, mà mấu chốt là sớm xây dựng và thực hiện cơ chế kiểm soát quyền lực thực sự khả thi ở mọi cấp, mọi ngành. Vì cơ chế kiểm soát quyền lực là cơ sở bảo đảm cho mọi cơ quan Nhà nước phải làm đúng, làm tròn chức năng, nhiệm vụ của mình; đội ngũ cán bộ, công chức phải làm đúng theo quy định và phải đề cao trách nhiệm chính trị, trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm đạo lý, trách nhiệm giải trình trong mọi hoạt động công vụ. Có cơ chế kiểm soát quyền lực hữu hiệu cũng là một trong những giải pháp thiết thực nhằm góp phần phòng ngừa, “đặc trị” thói quan liêu, bệnh phô trương hình thức, không để nó “di căn” làm băng hoại thể chế chính trị và mọt ruỗng văn hóa, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
THIỆN VĂN
Nguồn: qdnd.vn
Ý kiến bạn đọc
Đang truy cập: 38
Hôm nay: 5,725
Hôm qua: 9,597
Tháng hiện tại: 159,112
Tháng trước: 265,821
Tổng lượt truy cập: 923,748